Tinh thần yêu nước trong thơ ca Lục Du Lục_Du

Lục Du là một nhà yêu nước nổi tiếng thời Nam Tống, nhưng vì bị phe "chủ hòa" vùi dập, đành gửi gắm mọi tâm sự vào thơ ca. Lòng yêu nước thiết tha là nội dung quán xuyến toàn bộ tác phẩm của ông, từ những bài viết lúc trai trẻ (Lão mã hành, Kim thác dao hành, Thư phẫn,...) cho đến khi viết bản di chúc bằng thơ cuối cùng (dịch):

Chết rồi muôn sự là không,Buồn vì một nỗi non sông chưa liền.Ngày nào lấy lại Trung nguyên,Con ơi! Nhớ khấn gia tiên biết cùng.

Thơ ca Lục Du cảm động chủ yếu chính là ở chỗ nhiệt tình, khí mạnh, lời hùng, nhưng không kém phần lãng mạn. Nổi bật là những bài như: Đại tướng xuất quân ca, Hồ vô nhân, Quan vận lương đồ, Xuất tái khúc, Quân trung tạp ca, v.v...Song dưới chính sách "cầu hòa" của triều đình Nam Tống, nhiều chiến sĩ yêu nước (trong đó có ông) chỉ có thể ngồi nhìn non sông bị dày xéo. Nỗi bất bình đó được ông thể hiện trong rất nhiều bài, nổi bật có Túy ca, Lũng Đầu thủy, Cảm phẫn, Quan sơn nguyệt,...

Bên cạnh đó, Lục Du còn dùng thơ để vạch trần các mánh khóe bóc lột nhân dân thậm tệ của giai cấp thống trị phong kiến. Trong bài Thu hoạch ca, Nông gia thán, Thu tứ, Lưỡng chủ,...ông đã chỉ rõ điều này.

Ngoài thơ, Lục Du còn sở trường về từ nữa. Từ của ông phần nhiều phiêu dật, đẹp đẽ, nhiệt tình yêu nước; nhưng không hùng hồn, hào phóng, sáng sủa, trôi chảy như thơ...[4].

Đút kết lại về sự nghiệp sáng tác của ông, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng phong cách của Lục Du khá đa dạng, nhiều bài thơ của ông tràn trề tinh thần yêu nước, gần gũi với nhân dân; nhưng lại có những bài trầm uất giống như thơ Đỗ Phủ, bi phẫn như thơ Khuất Nguyên, giản dị cao khiết như thơ Đào Tiềm, bay bổng lãng mạn như thơ Lý Bạch, hoặc hùng tâm như từ của Tân Khí Tật...[5]

Chính vì vậy, thơ ca ông đã đem lại cho người đọc một cảm thụ nghệ thuật đặc biệt. Song, không phải không có khuyết điểm, vì chúng có khi trùng ý, lỏng lẻo và thô thiển, nhất là những bài ông làm lúc tuổi già.

Nhìn chung, thơ Lục Du, về tư tưởng và nghệ thuật, đều có những thành tựu xuất sắc. Trên thi đàn đời Tống, ông là một nhà thơ kiệt xuất, có ảnh hưởng khá sâu rộng đối với thơ ca yêu nước ở Trung Quốc, đặc biệt đối với những nhà thơ cuối đời Nam Tống đến đầu Nguyên, như Văn Thiên Tường, Lâm Cảnh Hy,...[6]

Liên quan